Công nghiệp hóa chất Mỹ với triển vọng hồi phục và những thách thức trong năm 2022
Công nghiệp hóa chất Mỹ với triển vọng hồi phục và những thách thức trong năm 2022
Các công ty hóa chất đã tự điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi đó, nhờ vậy năm 2021 sản xuất và đầu tư đã gia tăng trong công nghiệp hóa chất (CNHC) toàn cầu. Nhưng những đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 đã kìm hãm đà hồi phục của CNHC.
Mặc dù vậy, theo nhận định của Hội đồng Hóa học Mỹ (ACC), những rối loạn về hậu cần có thể giảm đi trong thời gian tới, vì vậy năm 2022 có thể là năm mà CNHC Mỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Tuy nhiên, với nhiều bất ổn vẫn đang nằm ở phía trước, đặc biệt là khả năng bùng phát trở lại của dịch COVID-19 với những biến thể siêu lây nhiễm như Omicron, những thách thức và triển vọng phát triển nào sẽ chờ đợi CNHC Mỹ trong năm 2022?
Sản xuất hóa chất tăng tốc
Năm 2020, dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều lĩnh vực kinh tế Mỹ phải dừng hoạt động nhiều tháng, kể cả các lĩnh vực quan trọng đối với ngành sản xuất hóa chất như như sản xuất xe ôtô. Trong bối cảnh đó, sản lượng hóa chất Mỹ năm 2020 đã giảm 3,5%.
Báo cáo cuối năm 2021 của ACC ước tính sản lượng hóa chất Mỹ trong năm tăng trưởng khoảng 1,4%. Cách đây 1 năm, ACC dự báo công nghiệp hóa chất Mỹ năm 2021 sẽ hồi phục với tốc độ tăng trưởng 3,9%. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đã phải đứng trước các vấn đề bất thường về hậu cần như tình trạng tắc nghẽn ở các cảng, thiếu côngtenơ, thiếu lái xe và lực lượng lao động khác.
Trên thực tế, nhu cầu hóa chất đã tăng mạnh nhưng các mạng lưới cung ứng đã không đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu. Hơn nữa, thời tiết lạnh đầu năm 2021 và các trận bão lớn tại Texas đã khiến cho hoạt động sản xuất dầu mỏ, khí thiên nhiên cũng như các sản phẩm hóa dầu tại Mỹ phải tạm ngừng vận hành nhiều tháng.
Trong khi đó, một lĩnh vực tiêu thụ hóa chất quan trọng là ngành sản xuất xe ôtô đã gặp nhiều rắc rối do cuộc khủng hoảng thiếu chip trên toàn cầu. Năm 2021 ngành sản xuất xe ôtô tại Mỹ tiêu thụ được 15,3 triệu xe, tuy cao hơn so với năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mốc 17 triệu xe năm 2019.
Đến cuối năm 2021, các nhà phân tích thị trường nhận thấy đã có những dấu hiệu khả quan hơn trong chuỗi cung ứng, ví dụ lưu lượng tàu vận chuyển hóa chất đi qua các cảng lớn đã tăng lên. Vì vậy, ACC dự báo, nếu tình hình cung ứng tiếp tục được cải thiện sản lượng hóa chất Mỹ trong năm 2022 sẽ tăng 4,3%.
Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức (VCI) cũng dự báo năm 2022 sản xuất hóa chất tại Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trong tất cả các lĩnh vực hóa chất quan trọng.
Nhìn chung, VCI dự báo sản lượng hóa chất toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2022, tuy giảm đáng kể so với mức tăng trưởng ước tính khoảng 7% trong năm 2021. Trong khi sản xuất hóa chất tại Trung Quốc ước tính sẽ tăng trưởng 10% trong năm 2021, VCI dự báo con số này sẽ giảm xuống 4% trong năm 2022. Mặt khác, sản xuất hóa chất Mỹ được dự báo sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng 5% trong năm 2022, cao hơn mức 2% trong năm 2021. Sản lượng hóa chất tại các quốc gia sản xuất hóa chất hàng đầu khác như Ấn Độ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng được dự báo sẽ tăng trong năm 2022.
Những vấn đề của chuỗi cung ứng
Tổng sản phẩm quốc nội ở tất cả các quốc gia công nghiệp lớn trên thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Hiện nay, nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhằm giải quyết vấn đề thiếu lao động trong ngành vận tải và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên khắp thế giới. Chính phủ của Tổng thống Biden đang tìm cách giải quyết các điểm thắt nút cổ chai tại các cảng Los Angeles và Long Beach ở California.
Nhà kinh tế trưởng của ACC cho biết, ACC dự kiến xu hướng hồi phục sẽ diễn ra nhanh, bất chấp nhiều rủi ro và bất ổn trước mắt. Nhưng rủi ro đó bao gồm những đứt gãy của chuỗi cung ứng trong bối cảnh nhu cầu tăng cao khi các nền kinh tế tái mở cửa, các căng thẳng thương mại, các vấn đề an ninh mạng, lạm phát, tình trạng bất ổn tài chính, nợ công và nợ của khối doanh nghiệp tư nhân.
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ 0,1% dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cho rằng nguyên nhân là áp lực của chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng và các vấn đề khác.
Trong khi biến chủng Delta của virut corona đang kìm hãm quá trình mở cửa lại của các nền kinh tế trên khắp thế giới, hiện đang có nhu cầu dồn nén khá lớn trên toàn cầu, đặc biệt là ở các ngành công nghiệp và các thị trường tiêu thụ. Nhiều ngành công nghiệp đã tiếp tục chứng kiến lượng đơn đặt hàng tăng mạnh, lượng hàng tồn kho thấp, khi các chuỗi cung ứng cố gắng theo kịp nhu cầu tăng mạnh. Những rối loạn của các chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài, khiến cho thời gian bổ sung hàng tồn kho ở hầu hết các công ty cũng sẽ kéo dài.
Ngành nông nghiệp thiếu các sản phẩm nông hóa
Tháng 10/2021, Đại học Perdue (Indiana, Mỹ) đã công bố báo cáo cảnh báo về những rối loạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu nguyên liệu có thể dẫn đến khả năng thiếu các sản phẩm nông hóa như glyphosat và glufosinat trong vụ mùa 2022 ở Mỹ.
Theo Đại học Perdue, lũ lụt nghiêm trọng trong năm 2021, sự tái bùng phát của dịch COVID-19 và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng đã làm đứt gãy hoạt động sản xuất và xuất khẩu ở Trung Quốc trong nhiều tháng, dẫn đến việc các nhà sản xuất hóa chất chỉ có thể nhận được nguyên liệu theo phương thức phân phối. Do đó, các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Mỹ đã phải lập kế hoạch sản xuất phù hợp với nguồn cung nguyên liệu hạn chế và giá tăng cao.
Báo cáo của Đại học Perdue cho rằng, ngay cả khi không xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung, nông dân Mỹ cũng có khả năng sẽ phải đứng trước tình trạng tăng giá các sản phẩm nông hóa.
Chi tiêu đầu tư tăng nhẹ
Trong CNHC Mỹ, ước tính chi tiêu đầu tư năm 2021vượt 30 tỉ USD, tăng 11,6% so với năm trước. ACC dự báo chi tiêu đầu tư trong CNHC Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, nhưng với tốc độ thấp hơn là 3,1%.
Ngoài các kế hoạch chi tiêu đầu tư mới, nhiều dự án xây dựng các nhà máy hóa chất đã khởi động trong năm 2021 hoặc trước đó sẽ đi vào vận hành trong những năm tiếp theo. Tổ hợp hóa dầu trị giá 6 tỉ USD của Công ty Shell tại bang Pennsylvania sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2022. Một liên doanh giữa Công ty ExxonMobil và SABIC đang có kế hoạch khởi động nhà máy hóa chất mới và nhà máy crăcking bằng hơi nước tại bang Texas cũng trong năm 2022. Công ty BioLab cho biết sẽ hoàn thành công việc xây dựng tại nhà máy clo và xử lý nước ở bang Louisiana trong năm 2022, sau khi nhà máy đang hoạt động trước đó bị hư hại vì siêu bão Laura.
Tình trạng lao động trong ngành hóa chất
CNHC Mỹ đã mất đi 14.800 việc làm khi dịch COVID-19 khiến cho nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ trong năm 2020. Nhưng ước tính 6.000 công nhân đã được tuyển dụng vào các công ty hóa chất Mỹ trong năm 2021 và xu hướng gia tăng tuyển dụng này được dự báo sẽ tiếp tục.
Báo cáo về triển vọng giữa năm 2021 của ACC nhận định, khi nhu cầu thị trường phục hồi thì số lượng việc làm sẽ phục hồi trong năm 2021 và năm tiếp theo, nhưng sẽ không đạt được mức như trước khi xảy ra dịch COVID-19. ACC dự báo, lực lượng lao động trong ngành hóa chất Mỹ sẽ tăng 1,3% trong năm 2022.
Nhìn chung, các chuyên gia ACC cho rằng năm 2022 sẽ là một năm chuyển tiếp tiếp theo của CNHC, và đến năm 2023 CNHC Mỹ có khả năng sẽ quay trở về trạng thái hoạt động như trước khi xảy ra dịch COVID-19.